Ra đời năm 2004, trang mạng xã hội mang tên Facebook của chàng trai trẻ Mark Zurkerberg đã nhanh chóng trở thành mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới. Người ta dùng facebook hàng ngày như một công cụ giữ liên lạc với bạn bè, người thân, kết nối với những người bạn mới, tán gẫu, cập nhật tin tức... Hãy thành thực với bản thân, một ngày bạn dành bao nhiêu thời gian để truy cập trang mạng này? Chỉ cần dành một góc của khoảng thời gian ấy để tranh thủ học tiếng Anh thôi, bạn sẽ bất ngờ vì hiệu quả mà nó mang lại đấy!
Hãy cùng đọc những tips sau để xem bạn có thể biến Facebook thành thầy dạy tiếng Anh của mình như thế nào nhé!
1. Việc đầu tiên là hãy chuyển đổi ngôn ngữ của Facebook sang tiếng Anh:
Có thể bạn đã quen thuộc với giao diện tiếng Việt cùng các thông báo tiếng Việt, việc làm quen với giao diện mới bằng Tiếng Anh sẽ mất một chút thời gian. Nhưng điều này rất có lợi cho bạn trong việc tạo cho mình môi trường tiếng Anh xuyên suốt. Lợi ích thứ hai là bạn sẽ được làm quen với kha khá từ mới trong giao diện này, giúp làm phong phú vốn từ của bạn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ngoài ra, việc đổi ngôn ngữ sang tiếng Anh còn đem lại cho bạn cảm giác mình cũng là một công dân toàn cầu, sử dụng thứ ngôn ngữ toàn cầu khi tham gia một mạng xã hội toàn cầu.
2. Click Follow hoặc Like các trang Fanpage học tiếng Anh, và Join các nhóm (Group) học tiếng Anh:
Đây là bước thứ hai các bạn phải thực hiện nếu muốn biến Facebook thành thầy dạy tiếng Anh của mình. Hãy follow những kênh học tiếng Anh nổi tiếng như BBC Learning English, 30 phút tiếng Anh mỗi ngày, hay những trang fanpage thường xuyên cập nhật kiến thức tiếng Anh phong phú của các trung tâm Tiếng Anh như JOLO English Center.
Mặt khác, nếu như trên fanpage bạn thường tiếp nhận bài học một cách thụ động, thì trong group, bạn hoàn toàn có thể chủ động quyết định nội dung kiến thức mình muốn học. Bạn có thể đăng lên tất cả những gì bạn băn khoăn về tiếng Anh, những bài tập trên lớp mà bạn không thể giải đáp, hay đơn giản là một lời chào, một bài đăng giới thiệu bản thân, tất cả mọi người sẽ cùng trò chuyện, thảo luận và góp ý giúp bạn. Hơn nữa, trong group có rất nhiều thành viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Một khi tham gia group, bạn vừa có thể làm quen thêm nhiều bạn mới, lại vừa học hỏi được nhiều điều về các nền văn hóa cũng như cách sử dụng tiếng Anh ở các quốc gia khác nhau.
3. Đừng ngần ngại “like” những page bạn hứng thú:
Các pages giải trí và kiến thức, thậm chí các page cộng đồng trên facebook đều rất phong phú. Nếu quan tâm đến Marketing, hãy tìm những page phổ biến kiến thức Marketing. Nếu bạn có đam mê về việc nấu nướng hoặc làm vườn chẳng hạn, hãy tìm đến những page như "Masterchef" hay "I like gardening"... Các page tương tự như thế trên thế giới có rất nhiều. Nếu không thích thời sự, bạn không nhất thiết phải đọc BBC hay CNN. Học tiếng Anh phải vui, phải có ích chứ không phải gượng ép theo khuôn khổ của người khác.
4. Hãy tích cực để lại bình luận (comment)
Các fanpage học tiếng Anh đang ngày càng phát triển với những kiến thức đa dạng và mang tính tương tác cao. Nếu gặp một bài đăng có câu hỏi mở, hãy comment trả lời. Đôi khi sẽ có cả người quản trị (admin) cũng như các thành viên khác cùng vào comment và trò chuyện với bạn, sửa lỗi cho bạn. Nếu gặp một bài đăng có những câu nói ý nghĩa hay nêu lên một vấn đề nào đó, đừng ngại comment bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình, tất nhiên là bằng tiếng Anh. Việc này không chỉ giúp bạn nâng cao khả năng viết mà còn có thể đem lại những cơ hội bất ngờ.
5. Đừng lướt qua một cách vô thức
Rất nhiều người có thói quen nhấn Like và Share ngay khi vừa nhìn thấy bài học với suy nghĩ share về để lưu lại bài học, khi nào muốn học thì dễ dàng xem lại. Tuy nhiên, trên thực tế liệu có bao nhiêu người xem lại những bài học đó?
Nhiều người dùng máy tính lại áp dụng cách sao chép các bài học và lưu thành một file văn bản. Đây cũng là một cách để dễ dàng xem lại các bài học, tuy nhiên thao tác sao chép và dán (copy paste) lại quá đơn giản và nhanh gọn, sẽ rất khó để bạn nhớ kiến thức lâu dài. Tốt nhất bạn hãy sắm cho mình một cuốn sổ tay để tiện ghi chép và có thể xem lại bất cứ lúc nào. Mỗi ngày trên một fanpage có rất nhiều bài học, có thể về từ vựng theo chủ đề hay ngữ pháp hoặc những đoạn hội thoại ngắn nếu để ý bạn sẽ thấy các bài học được phân chia theo các mục khá rõ ràng.
Hiện Facebook có một công cụ rất hay là Save Link, bạn có thể save lại thành 1 list riêng để xem lại về sau.
6. Hãy chủ động tiếp thu một cách có chọn lọc
Mặc dù chất lượng nội dung trên fanpage ngày càng cải thiện nhưng đây là một mạng xã hội, những sai sót kiến thức không thể tránh khỏi. Đó là lý do mà phần đông các fanpage đều mang tên học tiếng Anh chứ không phải dạy tiếng Anh. Hãy coi fanpage, group và các thành viên trong đó như những người bạn cùng tiến của mình. Do đó, bạn phải biết tiếp thu một cách có chọn lọc những nội dung mà mình theo dõi. Facebook cũng chỉ là một phương tiện học tập. Bên cạnh các fanpage trên facebook, bạn nên học kết hợp nhiều nguồn khác như: học qua sách vở, học từ thầy cô, từ bạn bè, học qua web, tham gia hội nhóm tiếng Anh, nói chuyện với du khách đến từ những nước nói tiếng Anh, thậm chí du học nước ngoài... chỉ cần bạn chăm chỉ và học với một tâm thế chủ động, chắc chắn bạn sẽ gặt hái được nhiều điều.