Bạn thường nghe thầy cô hay các bài hướng dẫn học trên mạng nói: "không nên lệ thuộc vào từ điển". Nhưng để làm được điều này, bạn cần phải biết phương pháp đoán nghĩa của từ. Hãy tham khảo những cách sau để không còn bị lúng túng khi gặp từ mới nhé!
Khi học tiếng Anh, một điều chắc chắn là bạn sẽ bắt gặp các từ mới, không ít thì nhiều. Các từ mới sẽ cản trở bạn trong việc tiếp tục đọc và nắm nội dung của bài. Đa số các bạn sẽ dừng lại và tra từ điển. Nhưng bạn có thấy rằng, việc tra từ điển lấy mất của bạn rất nhiều thời gian, và đôi khi làm ngắt quãng quá trình đọc hiểu của bạn. Trong khi đọc, điều tối kị nhất là bị ngắt quãng. Một khi bị dừng lại, đầu óc của chúng ta sẽ bị phân tán và không nắm được ý của bài đọc nữa. Hãy cùng tham khảo những cách xử lý với từ "lạ" sau đây nhé!
1. Xác định từ loại:
Khi thấy từ lạ, đầu tiên bạn hãy xem xét mối quan hệ của từ mới với các từ xung quanh nó. Điều này sẽ phần nào giúp bạn xác định từ loại của từ đó. Nếu là danh từ riêng, bỏ qua và đọc tiếp. Nếu là tính từ hay trạng từ, hãy đoán xem mức độ và ý nghĩa của chúng đối với từ chính tích cực hay tiêu cực, sau đó có thể tiếp tục đọc. Nhưng nếu đó là một động từ chính và quan trọng, bạn có thể sẽ phải tìm ra nghĩa của chúng rồi mới có thể tiếp tục đọc hiểu.
Áp dụng cách này, đôi khi chỉ cần biết được từ loại, bạn cũng có thể biết được ý chính của cả câu mà không cần phải biết nghĩa của từ mới đó.
2. Phân tích từ:
Cấu tạo của một từ trong tiếng Anh bao gồm: tiền tố (prefix), hậu tố (suffix) và từ gốc. Bạn có thể dễ dàng đoán nghĩa của nó dựa trên ngững từ gốc đã biết.
Ví dụ: “The archaeologists unearthed the bones in Kazakhstan, while looking for evidence of prehistoric civilisations.”
Unearthed có thể là từ mới, nhưng earth (đất), un-(trả về trạng thái cũ) là những từ bạn đã biết rồi. Kết hợp lại bạn dễ dàng đoán được unearth = lấy cái gì đó ra khỏi đất. Điều này cho phép ta đoán nghĩa của một từ một cách nhanh, chính xác mà không cần lật từ điển.
Lạm dụng từ điển là một thói quen không tốt đối với người học tiếng Anh. Nguồn ảnh: images.com
3. Sử dụng ngữ cảnh để đoán từ:
Ngữ cảnh là tình huống, ngữ nghĩa của đoạn văn, câu văn. Việc dựa vào ngữ cảnh để đoán nghĩa của từ mang lại hiệu quả khá cao trong bài đọc. Khi bắt gặp một từ mới, khó thì việc đầu tiên cần làm là phải đoán xem từ đó có nghĩa gì bằng cách xem xét những câu, từ đứng trước hay sau từ mới đó.
Ví dụ: “Skin cancer is a common disease. According to Cancer Research UK, around 100,000 cases of non-melanoma were diagnosed in the UK in 2008, and just under 12,000 cases of the more dangerous malignant melanoma were also registered of which 25% proved fatal.”
Non-melanoma (ung thư da không có u hắc tố) là 1 từ tương đối khó. Tuy nhiên nhìn vào ngữ cảnh nói về chủ đề bệnh về da (skin cancer, disease, diagnosed) bạn có thể lờ mờ đoán được ắt hẳn đây phải là 1 loại bệnh về da. Tương tự malignant melanoma cũng phải là 1 bệnh gì đó nguy hiểm, gây chết người (dangerous, fatal).
4. Hỏi người khác, tại sao không?
Bạn đã thử mọi cách để đoán một từ mới nhưng vẫn không thể đoán ra. Vậy đừng ngần ngại hỏi một ai đó. Việc hỏi chẳng có gì xấu hổ cả, hỏi người khác giúp mình ghi nhớ từ đó được lâu hơn. Khi có câu trả lời, đừng quên ghi lại nó vào quyển sổ tay để ghi nhớ lâu hơn nhé!
5. Kiểm tra lại bằng từ điển
Hãy nhớ, đây là bước kiểm tra cuối cùng sau khi đã thử các cách đoán từ. Đó cũng là một cách xem khả năng đoán từ của mình tốt đến đâu. Nhưng nên hạn chế việc phải sử dụng từ điển. Lạm dụng từ điển khiến bạn nhanh quên từ mới đó và dễ trở thành thói quen không tốt đối với người học tiếng Anh.
Bước đoán từ tuy đơn giản nhưng sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều Tuy chỉ là đoán nhưng bạn càng thực tập nhiều bao nhiêu thì khả năng đoán trúng càng cao bấy nhiêu. Kỹ năng đoán từ mới trong bài là một kỹ năng cần thiết bởi chúng ta không được sử dụng từ điển để tra từ thường xuyên, vậy nên chúng ta không nên quá lệ thuộc vào từ điển mà hãy tạo cho mình thói quen đoán nghĩa của từ trước khi tra.