Tuyên bố của cụ Hồ đánh vào lòng tự trọng, kiêu hãnh của cả dân tộc và tạo ra một làn sóng mạnh mẽ về học chữ. Các lớp học được lập lên khắp nơi, trong đình chùa, ở nhà, nơi cổng chợ... Hàng chục nghìn người tình nguyện dạy không lương. Và thế là một chính quyền non trẻ, không nguồn lực chỉ trong vòng 2 năm đã gần như xóa bỏ được nạn mù chữ. Cuối năm 1946, miền Bắc đã có thêm hơn 2,5 triệu người biết đọc, biết viết.
Đó là một kỳ tích về giáo dục mà chúng ta làm được trong khoảng 100 năm qua.
Cuối năm 2014, khi sang Ấn Độ công tác, tôi được chứng kiến một sự kiện chính trị chấn động: đảng Quốc Đại thất bại. Lãnh đạo đảng đối lập BJP là ông Narendra Modi lên làm Thủ tướng sau gần một thế kỷ nền chính trị Ấn Độ nằm dưới triều đại nhà Nehru-Gandhi. Điểm gây kinh ngạc là một trong những cương lĩnh tranh cử và sau đó là hành động đầu tiên ngài Modi khi trở thành Thủ tướng là triển khai xây hơn 111 triệu nhà vệ sinh cho đến năm 2019 ở Ấn Độ với chi phí khoảng 32 tỷ USD. Chuyện này nghe có vẻ nực cười nhưng nó có tính cách mạng đối với Ấn Độ.
Là nước đông dân nhất và cũng là một trong những nước nghèo nhất thế giới, hơn 600 triệu người Ấn Độ không có cơ hội sử dụng nhà vệ sinh. Sự thiếu hụt nhà vệ sinh ở trường học là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc nữ sinh bỏ học. Không đủ nhà vệ sinh dẫn tới việc nhà đầu tư ngại không muốn đổ tiền vào Ấn Độ vì họ không thể mặc suit qua một con đường nơi người ta đi vệ sinh công khai. Giải quyết được vấn đề nhà vệ sinh, do vậy, có tính then chốt trong việc giải quyết vấn đề dịch bệnh, tăng tỷ lệ đi học, bảo vệ phụ nữ, tạo môi trường thân thiện cho nhà đầu tư, và qua đó phát triển kinh tế.
Việc xây các nhà vệ sinh đã trở thành nỗi ám ảnh lớn của Thủ tướng Modi. Trong các diễn văn tranh cử của mình, ông luôn nói: “Xây toilet trước, đền chùa sau”. Đặc biệt, trong ngày Quốc khánh của Ấn Độ, ông phát biểu: “Chúng ta không thấy đau đớn khi mẹ và em gái mình phải đi vệ sinh ở ngoài đường sao?… Chẳng lẽ chúng ta không thể xây nổi nhà vệ sinh để bảo vệ phẩm giá của mẹ, của chị và em gái mình sao?". Sự hổ thẹn dân tộc qua lời kêu gọi của ông Modi đã tạo hiệu ứng lớn trên toàn Ấn Độ.
Cụ Hồ thời trước của Việt Nam, ngài Modi thời nay ở Ấn Độ, làm cách mạng xã hội bằng cách tập trung giải quyết một việc, chỉ một việc thôi, nhưng là điểm mấu chốt nhất, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội.
Quay lại với câu chuyện cải cách giáo dục ở Việt Nam. Sự kiện đáng buồn nhất trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH vừa rồi là phổ điểm môn tiếng Anh có hơn 80% điểm từ trung bình (5) trở xuống. Khi đọc thống kê trên, tôi đã khóc. Con số trên có nghĩa là 12 năm dạy tiếng Anh cho lứa học sinh vừa rồi gần như công cốc. Đến thế kỷ 21 rồi mà con em chúng ta vẫn “mù" tiếng Anh. Đây thực là một nỗi tủi hổ của chúng ta.
Tôi nghĩ, “mù" tiếng Anh là rào cản đầu tiên và quan trọng nhất phải giải quyết nếu chúng ta muốn trở thành một nước công nghiệp phát triển. Nhưng những người làm chính sách về giáo dục có nghĩ vậy? Tôi cho rằng chưa, nếu không muốn nói là không.
Mọi cuộc cách mạng đều bắt đầu bằng một thay đổi chủ chốt nhỏ dẫn đến những phản ứng dây chuyền lớn. Vậy tôi xin đề nghị một cải cách nhỏ để xóa mù tiếng Anh, đó là đừng coi việc tiếng Anh là học ngoại ngữ nữa. Hãy biến việc dạy tiếng Anh trở thành một việc cấp thiết, có tính sống còn như dạy tiếng mẹ đẻ ở Việt Nam. Cả nhiệm kỳ của một bộ trưởng GDĐT chỉ cần dành để xóa “nạn mù chữ” tiếng Anh là đủ. Và để bắt đầu, chỉ cần một thay đổi nhỏ, là dạy tiếng Anh ngay từ lớp 1 và tăng số tiết dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học lên gấp ba lần, từ 2-4 tiết lên 6-12 tiết một tuần.
Thời lượng học tiếng Anh chính thức hiện giờ ở cấp tiểu học là quá ít để học sinh có thể ngấm và sử dụng một cách thành thạo. Một học sinh tiểu học, hiện giờ mới được học 2 tiết mỗi tuần làm quen cho đến hết lớp 2, và 4 tiết một tuần từ lớp ba. Để sử dụng thành thạo một ngôn ngữ, ngay trong thời kỳ đầu, đứa trẻ phải dùng càng nhiều càng tốt. Việc dạy tiếng Anh, do vậy, phải bắt đầu từ rất sớm và liên tục. Một minh chứng của việc tăng gấp đôi số tiết có ảnh hưởng đột phá đến chất lượng học là chương trình tiếng Anh tăng cường của TP HCM mà qua đó học sinh được học thêm ít nhất là 2 tiết tiếng Anh nữa với chi phí 200.000-400.000 mỗi tháng. Trình độ tiếng Anh của phần lớn những học sinh theo chương trình này đã tăng đáng kể so với những học sinh không theo.
Số lượng tiết học tiếng Anh tăng đột biến sẽ tạo ra động lực chọn những giáo trình tốt và hiệu quả hơn. Giáo viên và nhà trường sẽ biết cách dạy thế nào, triển khai ra sao khi số giờ dạy đã tăng lên gấp ba lần. Cha mẹ học sinh cũng sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng gửi con đi học tiếng Anh ở ngoài và đưa đón con đi học thêm.
Tôi đã tính toán, thử nghiệm và có thể khẳng định, chỉ tốn tối đa khoảng 400.000 đồng mỗi tháng cho học sinh trường công ở các thành phố lớn và khoảng 200.000 đồng mỗi tháng cho các vùng nông thôn, để có thể dạy tăng gấp đôi, gấp ba số tiết hiện giờ, với chất lượng đột phá. Nếu cha mẹ học sinh và nhà nước mỗi bên chi trả một nửa, hàng tháng nhà nước chỉ tốn thêm 100.000-200.000 đồng một học sinh tiểu học mà thôi.
Nếu như việc xóa nạn mù chữ năm 1945 đã thay đổi số phận một dân tộc và góp phần cốt tủy trong việc giữ nền độc lập và phát triển kinh tế; việc xây nhà vệ sinh mới là cuộc cách mạng xã hội có tính then chốt của Ấn Độ trong những năm tới, thì tôi tin rằng việc phát động phong trào “Bình dân học vụ 2.0” nhằm xóa nạn “mù chữ” tiếng Anh, sẽ quyết định vận mệnh giáo dục của Việt Nam trong 10 năm tới. Chỉ thế thôi đã đủ để tạo nên kỳ tích.
Nguyễn Quốc Toàn
Theo VnExpress.