Con một thường không biết cách chia sẻ, đứa đầu thì hay...hách dịch, con út được cưng chiều hơn cả, con giữa thì...cái gì cũng ở mức lưng chừng. Đây chỉ đơn giản là những khuôn mẫu, hay thực sự có sự khác biệt giữa những đứa trẻ với thứ tự sinh khác nhau? Dù lý thuyết này chỉ giúp giải thích phần nào sự định hình con người chúng ta, nhưng sự khác biệt đó chắc chắn có tồn tại - đó là khẳng định của Tiến sĩ Frank Sulloway, chuyên gia nghiên cứu tính cách trẻ nhỏ và là tác giả cuốn sách Born to Rebel.
Tính cách của trẻ nhỏ không được định hình bởi thứ tự ra đời về mặt sinh học. “Chính vai trò thực tế trong mối quan hệ giữa các anh chị em mới là điều dẫn đến sự khác biệt trong hành vi,” Tiến sĩ Sulloway chia sẻ. Những “chiến lược" mà từng đứa trẻ áp dụng để thu hút sự chú ý của bố mẹ sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào vị thế của bé trong số các thành viên gia đình. Và phụ huynh có xu hướng củng cố vị thế này, dù phụ huynh có nhận ra điều đó hay không. Sau đây là lý giải cho việc tại sao con bạn lại hình thành những đặc điểm hành vi đặc thù dựa vào thứ tự của bé trong gia đình.
I. Con cả - con đầu lòng:
Tính cách
- Vì những đứa con đầu lòng thường noi theo sự chỉ dẫn của bố mẹ, trẻ có xu hướng thích chỉ huy và có hình mẫu về sự tự tin, theo Tiến sĩ Kevin Leman - tác giả cuốn sách The Birth Order Book: Why You Are the Way You Are. Trẻ không phải trải nghiệm cảm giác bị anh/chị lớn trêu chọc khi bắt đầu tập làm những việc đơn giản như học cách buộc dây giày hay tập đạp xe. Trong khi đó, phụ huynh lại coi trọng những việc đơn giản như thế, và điều đó phần nào khiến đứa trẻ tự tin hơn. Khi bố mẹ trầm trồ về mọi thứ “lần đầu tiên" của con đầu lòng, cách phản ứng đó tạo động lực cho trẻ cố gắng.
- Trẻ đầu lòng dễ dàng trở thành những người cầu toàn. Từ nhỏ, các con đã quan sát cách người lớn tô màu trong đường viền ra sao, hay rót nước mà không đổ ra ngoài thế nào. Trẻ muốn bắt chước giống như vậy, và không muốn xảy ra sai sót. Xu hướng cầu toàn này đồng nghĩa với việc trẻ đầu lòng thường không dễ dàng thừa nhận sai lầm của mình.
Những lời khuyên cho bố mẹ khi nuôi con đầu:
- Bố mẹ có xu hướng lấy con cả làm hình mẫu cho các em, và điều này có thể gây ra áp lực lớn cho trẻ.
- Đừng để việc là con cả trở thành gánh nặng cho trẻ. Bên cạnh những trách nhiệm của việc làm anh/chị, hãy cho trẻ một số quyền lợi nhất định kèm theo, ví dụ như được phép đi ngủ muộn hơn em.
Những đứa con đầu lòng nổi tiếng:
Barack Obama, Oprah Winfrey
II. Con thứ (trong gia đình có 3 con trở lên):
Tính cách
- Theo Leman, khi một vai trong gia đình đã được lấp đầy bởi anh/chị cả, thì những cô/cậu em sẽ tìm kiếm một vai đối lập. Do vậy, tính cách của những đứa con thứ khá khó đoán bởi điều đó phụ thuộc vào cách trẻ nhìn nhận về vị thế trong gia đình. Nếu như con cả có xu hướng luôn cố làm hài lòng cha mẹ, con thứ sẽ có xu hướng nổi loạn để nhận được sự chú ý.
- Trong mắt những đứa trẻ này, anh/chị cả nhận được mọi quyền lợi của “người lớn", em út thì được chiều chuộng hết mực, vậy nên trẻ sẽ học cách thương lượng để có được thứ mình muốn. Trẻ sẵn sàng thoả thuận, biết cách thoả hiệp và có khả năng chịu đựng sự thất vọng. Trẻ có những kỳ vọng thực tế, có xu hướng tự lập và đặc biệt là rất ít có khả năng bị chiều hư. Ngoài ra, bởi con thứ thường cảm thấy bị “ra rìa", trẻ dễ trở nên hướng ngoại và thân thiết với bạn bè hơn gia đình.
Những lời khuyên cho bố mẹ khi nuôi con đầu:
- Luôn nói lời cảm ơn khi trẻ giúp đỡ trong việc hoà giải tranh chấp giữa các anh chị em khác trong nhà.
- Tôn trọng nhu cầu có bạn của trẻ. Tạo cho trẻ cơ hội để làm quen với các bạn đồng trang lứa ở trường lớp, trong khu dân cư.
- Anh/chị cả được “độc quyền sở hữu" bố mẹ trong một thời gian nhất định, và em út cũng vậy khi mà các anh/chị đều đã lớn. Nhưng con thứ thì luôn phải chia sẻ sự quan tâm của bố mẹ. Vì vậy, hãy dành những khoảng thời gian đặc biệt cho trẻ để làm con cảm thấy mình đặc biệt.
III. Con út:
Tính cách
- Cha mẹ thường xem mọi thứ dễ dàng hơn với con út vì họ không còn lo lắng như “lần đầu làm phụ huynh”. Theo đó, em út luôn dễ được “tha" khi phạm lỗi hơn các anh/chị của mình. Trẻ phải chịu ít trách nhiệm hơn, nên sẽ dễ trở thành những người phóng khoáng, dễ tính và hòa đồng. Nếu trong nhà có ai đó có khả năng trở thành danh hài nhất, chắc chắn đó là em út.
- Nhưng không phải mọi chuyện đều dễ dàng với đứa trẻ bé nhất trong nhà. Vì em út luôn coi các anh/chị của mình là lớn hơn, thông minh hơn, nên các con sẽ cố gắng để khẳng định sự hiện diện của mình trong gia đình bằng một chút nổi loạn, ương ngạnh.
Những lời khuyên cho bố mẹ khi nuôi con út:
- Để tránh việc trẻ có cảm giác ý kiến của mình không được coi trọng, hãy cho con đưa ra những quyết định đơn giản như tối nay cả nhà ăn ở đâu hay xem bộ phim nào.
- Đối xử với những “lần đầu tiên" của con như những gì đã làm với anh/chị lớn hơn, kể cả những việc tưởng đơn giản như khi bé biết cách tự đi giày, khi bé vẽ bức tranh đầu tiên tặng bố mẹ, v.v.
- Trao cho con những nhiệm vụ nhỏ như dọn bàn ăn, gấp chăn màn để trẻ không hình thành suy nghĩ “con còn quá nhỏ để phải làm việc nhà".
IV. Con một:
Tính cách
- Bởi con một thường phải chơi một mình mà không có các anh chị em, nên những đứa trẻ này rất giỏi trong việc tự “mua vui" cho bản thân, hay nói cách khác, là những đứa trẻ vô cùng sáng tạo. Giống như con cả, con một thường tự tin, giỏi ăn nói, chú ý nhiều đến từng chi tiết và có học lực tốt. Thêm nữa, việc dành nhiều thời gian xung quanh người lớn khiến trẻ có xu hướng hành động như những “ông cụ non”. Con một không phải cạnh tranh để có được sự chú ý của bố mẹ, không phải chia sẻ đồ chơi với anh/chị/em, nên các con có nguy cơ coi mình là “trung tâm của vũ trụ”. Trẻ lớn lên với ý nghĩa “mình là người quan trọng" và sẽ dễ dàng cảm thấy thất vọng khi mọi việc không diễn ra theo ý mình. Đặc biệt, con một còn dễ trở thành những người cầu toàn hơn cả con đầu lòng.
Những lời khuyên cho bố mẹ khi nuôi con một:
- Bởi con một không có nhiều trải nghiệm về việc chia sẻ với những đứa trẻ khác, con nên được tạo điều kiện tham gia các hoạt động nhóm với bạn cùng trang lứa.
- Con một có xu hướng cầu toàn, nên hãy chủ động làm gương cho con trong việc học cách thừa nhận sai lầm của bản thân.
- Đừng gieo vào suy nghĩ của trẻ ý tưởng về việc “con làm mọi việc không đủ tốt". Nếu con hoàn thành việc nhà với một chút sơ suất, đừng làm giúp trẻ hoặc trách trẻ về việc đó.
V. Những trường hợp ngoại lệ:
“Hành vi của con người được hình thành bởi rất nhiều yếu tố”, Tiến sĩ Sulloway chia sẻ. “Thứ tự sinh chỉ góp một phần nhỏ trong số đó.” Dưới đây là một số các yếu tố khác có ảnh hưởng quyết định hành vi của trẻ lớn hơn là thứ tự chào đời sinh học:
Giới tính
Trong một số nền văn hóa, bé trai có thể được đối xử như con cả ngay cả khi bé có rất nhiều chị gái, đơn giản vì bé được coi là “đích tôn" (theo quan niệm phương Đông)Cách biệt tuổi tác
Thứ tự chào đời sinh học ảnh hưởng mạnh mẽ nhất khi khoảng cách ra đời giữa hai đứa trẻ là 02 đến 04 năm. Với cách biệt lớn hơn, trẻ có thể sẽ cư xử như con một hoặc con cả.Nhu cầu đặc biệt
Khi một đứa trẻ chào đời với những nhu cầu chăm sóc đặc biệt, ngay cả các em cũng có thể đóng vai trò như con đầu lòng.
Đặc biệt, bố mẹ nên dành thời gian riêng với từng trẻ. Hãy dành ra dù chỉ 15 phút mỗi tuần cho mỗi trẻ và tìm hiểu về tính cách thực sự của mỗi bé.
-------------------------------------------
Tìm hiểu thêm về các Lớp Tiếng Anh Tại Trung Tâm Anh Ngữ JOLO English:
- Lớp Tiếng Anh Thiếu Niên tại Hà Nội
- Lớp Tiếng Anh Trẻ Em tại Hà Nội
- Trại Hè Tiếng Anh cho trẻ từ 4-15 tuổi
- Lớp Luyện Thi IELTS tại Hà Nội Và HCM
- Lớp Tiếng Anh Giao Tiếp tại Hà Nội
Hệ Thống Trung Tâm Anh Ngữ JOLO:
- Hà Nội: (024) 6652 6525
- TP. HCM: (028) 7301 5555
- JOLO: Số 4, ngõ 54 Nguyễn Thị Định, Hà Nội
- JOLO: Số 27 Trần Đại Nghĩa, Hà Nội
- JOLO: Biệt thự B8, ngõ 128 Thụy Khuê, Hà Nội
- JOLO: 62 Võ Văn Tần, Phường 6, Q.3, TP.HCM