Với mơ ước trở thành một giảng viên Tiếng Anh giỏi, Phạm Huy Bách bắt đầu tích lũy kinh nghiệm cho bản thân bằng việc làm trợ giảng tại nhiều Trung tâm Anh Ngữ. Sau hơn 1 năm học hỏi và lắng nghe từ đồng nghiệp và từ chính các bạn học viên, Bách quyết định phát triển định hướng của mình một cách chuyên sâu và bài bản hơn bằng IELTS.
“Mình nhận ra để có được sự tin tưởng của học viên, để được làm việc cùng những người giỏi và sáng tạo, mình cần một thước đo hữu hình nào đó cho chuyên môn của bản thân. Đó là lúc mình bắt đầu có động lực để theo đuổi IELTS.”
Là sinh viên khoa tiếng Anh - Viện Đại học Mở Hà Nội, Bách khá tự tin về kiến thức Anh ngữ của mình. Nhưng cũng chính điều này lại là trở ngại không nhỏ cho Bách khi cậu bắt đầu làm quen với các kỹ năng làm bài IELTS.
“Mình không ngại tiếng Anh, thậm chí còn khá “tủ” 2 kỹ năng Nghe và Nói. Nhưng mình có vài điểm yếu cần khắc phục để có thể thi được IELTS. Một là mình hay mất kiên nhẫn và tập trung khi phải đọc và làm một bài tập dài. Hai là Writing thì mình hay nghĩ gì viết đấy, nên phá cấu trúc chuẩn của bài viết. Ba là mình lười xem tin tức bằng tiếng Anh, nên với nhiều chủ đề mình không biết ví dụ nào để minh họa cả.
Bốn là mình gặp khó khăn với từ vựng học thuật. Nếu bạn là người đã học và quen với tiếng Anh phổ trong từ bé, thì việc phải thay đổi thói quen và chuyển sang dùng từ ngữ học thuật là không hề đơn giản.”
Thách thức dành cho Bách không nhỏ nhưng động lực của cậu cũng vậy: “Mỗi khi bắt đầu “lung lay”, không biết liệu có đạt được điểm cao hay không, mình lại nhớ đến các bạn học viên mình từng dạy, và sẽ dạy.” Với suy nghĩ đó, Bách lao vào công cuộc giải quyết từng yếu điểm một, để rồi thành công với một band điểm IELTS không chỉ cao mà còn rất đồng đều về mọi kỹ năng: Listening 8.5 - Reading 8.5 - Writing 7.0 - Speaking 7.0
“Mình luyện Reading bằng cách cố gắng mỗi ngày đọc 50 trang sách, dù với người lười đọc như mình thì cực kì khó. Sau khi học các kỹ thuật Scanning và Skimming ở lớp IELTS, tốc độ đọc của mình nhanh hơn, và quan trọng nhất là mình không cần phải “nuốt hết từng chữ” trên trang giấy mà vẫn nắm được nội dung văn bản.
Để nâng điểm Writing, mình tận dụng thế mạnh của bản thân là thích tranh luận, thích tìm tòi nhiều quan điểm khác nhau và nhìn nhận đa chiều. Mình cố gắng hoàn thiện bố cục và ý hơn là phần từ vựng. Giáo viên của mình, cô Myra, đã hướng dẫn một số cách hay, dễ áp dụng để khai thác dẫn chứng, giúp bài viết chặt chẽ và dễ ăn điểm hơn. Nhờ vậy, mình đỡ lúng túng trong việc đưa ví dụ cho đề Task 2 và được 7.0 Writing. Tuy nhiên, mình vẫn khuyên các bạn khác là nên đọc tin tức nhiều hơn để trang bị cho bản thân hiểu biết đa dạng, không chỉ phục vụ cho thi IELTS mà còn giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn trong cuộc sống nữa.
Về vấn đề từ vựng học thuật trong Speaking, mình khắc phục bằng cách tranh luận với những người bạn nước ngoài mình quen, hay đôi khi là bắt chuyện với một du khách mình tình cờ gặp, và trao đổi về những đề tài mà bài thi IELTS cũng thường hỏi đến. Chẳng hạn như: Anh/chị nghĩ sao về vấn đề này? Ở đất nước của anh/chị có gặp phải vấn đề này không?
Khi đã có ý tưởng, đã quen với các topic, mình chỉ cần nhờ cô Myra chỉ dẫn về dạng câu hỏi, cấu trúc bài, cách nối/ chuyển ý tự nhiên, v.v và sửa một số lỗi phát âm, lỗi ngữ pháp nữa.
Mục đích ban đầu của mình khi lựa chọn khóa IELTS Intensive ở JOLO là vì muốn có một môi trường học chuyên sâu, có những người thầy cô giáo biết quan tâm đến học viên, và muốn học hỏi thêm về cả nghiệp vụ sư phạm nữa. Đến giờ, mình nghĩ mình đã đạt được những điều mà bản thân mong đợi từ đầu.”
Sau khi chinh phục thành công IELTS, Bách đã trở thành giáo viên part-time kiêm Quản lý - Điều phối trợ giảng cho một start-up về dạy học. Cậu cũng chia sẻ: “Trong công việc hiện giờ, mình thấy vui khi làm cùng những người bạn rất trẻ và sáng tạo, và vui nhất là được làm điều mà mình yêu thích từ lâu.”